top of page

Vì sao những thương hiệu lớn đang thay đổi màu sắc thương hiệu đặc trưng của mình?



Màu xanh, đỏ và cam quen thuộc của các thương hiệu công nghệ lớn luôn mang tính biểu tượng. Nhưng khi bạn lướt qua trang web của Samsung, Huawei và Xiaomi ngày nay, đặc điểm thương hiệu đó sẽ khó nhận biết hơn. Sự chuyển dịch về phía thiết kế tối giản không chỉ đơn thuần bắt theo xu hướng - nó phản ánh những thay đổi sâu sắc trong cách các thương hiệu truyền tải giá trị và tương tác với một thị trường đang trưởng thành.


Cùng FreFo tìm hiểu những lý do tại sao ngày càng nhiều các thương hiệu lại thay đổi màu sắc chủ đạo thương hiệu của mình nhé.


Sức mạnh của lựa chọn màu sắc ở giai đoạn khởi nghiệp


Các công ty mới thành lập quá nhiều thứ để chứng minh. Họ cần nổi bật trước những tay chơi lớn hơn, nhanh chóng thiết lập cá tính thương hiệu và truyền tải giá trị sản phẩm. Màu sắc đặc trưng, thậm chí là logo cầu kỳ, là những công cụ tối quan trọng để đạt được các mục tiêu này:


  • Nổi bật để thu hút sự chú ý:  Trong một thị trường đông đúc, những gam đỏ tươi sáng hay vàng tươi vui mắt có thể tạo nên sự khác biệt giữa việc nhãn hiệu được chú ý hay bị bỏ qua. Hãy xem xét Bumble, ứng dụng hẹn hò hướng đến đối tượng nữ chủ động bắt chuyện trước. Logo màu vàng nổi bật của họ khác biệt hoàn toàn giữa hàng loạt biểu tượng ứng dụng hẹn hò khác, vốn thường sử dụng những màu sắc dịu nhẹ như hồng hay xanh dương. Một nghiên cứu của HubSpot cho thấy 69% người tiêu dùng có xu hướng nhớ tới một thương hiệu lâu hơn sau khi tiếp xúc với logo của nó, và màu sắc là một trong những thứ đầu tiên mọi người nhận thấy về một logo.

  • Tâm lý của màu sắc:  Vượt ra khỏi lựa chọn của từng thương hiệu, những liên tưởng rộng hơn đóng vai trò quan trọng. Màu xanh lá cây gợi lên ý tưởng về thiên nhiên và tính bền vững – ngày càng quan trọng với những thương hiệu có trách nhiệm, tiêu biểu như Patagonia. Logo xanh thẫm của họ truyền tải ngay lập tức cam kết bảo vệ môi trường. Một khảo sát bởi tạp chí Entrepreneur, thấy rằng 78% người tiêu dùng tin rằng màu sắc trực tiếp ảnh hưởng đến quyết định mua hàng của họ. Màu xanh lá cây thường gắn liền với lối sống lành mạnh và thân thiện môi trường, khiến nó trở thành lựa chọn mang tính chiến lược cho Patagonia, một thương hiệu nổi tiếng với sản phẩm thời trang dã ngoại và những hoạt động vì môi trường.

  • Khoa học về cảm nhận màu sắc:  Bộ não của chúng ta được lập trình sẵn để phản ứng với màu sắc. Những nghiên cứu của trường Đại học Loyola Chicago đã chỉ ra rằng màu sắc có thể ảnh hưởng tới cách chúng ta nhìn nhận tính cách của một thương hiệu. Ví dụ, màu xanh dương thường được gắn với sự tin cậy và an toàn, đó là lý do tại sao nó trở thành lựa chọn phổ biến cho các ngân hàng và tổ chức tài chính như JPMorgan Chase và Bank of America.


Tương tự, màu đỏ gắn liền với sự hứng khởi và năng lượng, làm nó trở nên phù hợp với các thương hiệu như Coca-Cola, với logo màu đỏ đặc trưng được công nhận toàn cầu.

Khi màu sắc nhạt dần thành xám: Sự trỗi dậy của chủ nghĩa tối giản


Vậy tại sao các công ty thành đạt lại từ bỏ những công cụ quyền năng như vậy? Sau đây là những lý do sâu xa hơn:


  • Từ công nhận sang được kính trọng:  Những gã khổng lồ đã tạo được tên tuổi không cần phải chiến đấu để được ghi nhớ.Mục tiêu của họ chuyển thành nhận được sự kính trọng và toát lên vẻ cao cấp, sang trọng. Logo đơn sắc về bản chất sẽ tinh tế hơn và ít có khả năng xung đột với một dải sản phẩm đa dạng. Một nghiên cứu của Justpruett, chỉ ra 80% người tiêu dùng tin rằng thiết kế logo tối giản mang lại cảm giác đáng tin và chuyên nghiệp hơn so với một logo phức tạp. Điều này phù hợp với mong muốn của các thương hiệu công nghệ đã đứng vững được coi là dẫn đầu và tiên phong đổi mới, toát lên vẻ uy tín và chất lượng vượt thời gian.

  • Màu sắc trở thành giới hạn:  Một thương hiệu công nghệ ngày nay có thể cung cấp điện thoại, máy tính xách tay, thiết bị đeo được, đồ gia dụng, và thậm chí lấn sân sang xe điện.Cố gắng duy trì một màu chủ đạo xuyên suốt những dòng sản phẩm này trở nên hạn chế và ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ tổng quan. Hãy hình dung một công ty bán mọi thứ từ điện thoại thông minh đến tủ lạnh và máy giặt. Một màu đơn lẻ như cam sáng có thể trông bắt mắt trên vỏ điện thoại, nhưng sẽ lố bịch và lạc lõng trên một chiếc tủ lạnh bóng bẩy. Mặt khác, đen và trắng tạo ra một phông nền vượt thời gian và thanh lịch cho bất cứ sản phẩm nào.

  • Thích ứng với văn hóa hợp tác:  Các thương hiệu hiện đại thường xuyên hợp tác, tạo ra những sản phẩm và sáng kiến kết hợp. Một bảng màu trung tính đảm bảo tính linh hoạt tối đa và tránh bất kì sự xung đột nào giữa các bản sắc thương hiệu. Một nghiên cứu của Design Shack, cho thấy 60% chuyên gia thiết kế tin rằng sử dụng một bảng màu hạn chế tạo ra một trải nghiệm thương hiệu gắn kết và dễ nhớ hơn. Bây giờ bạn hãy hình dung một công ty điện thoại với logo đỏ tươi hợp tác với một nhà sản xuất ô tô có màu thương hiệu là xanh dương. Một chiếc điện thoại hợp tác sẽ trông khó coi nều cả hai công ty khăng khăng muốn kết hợp màu sắc đặc trưng của mình. Một màu nền trung tính cho phép tạo ra trải nghiệm hợp tác liền mạch và hút mắt.

Màu sắc chọn lọc: Bối cảnh là điều quan trọng


Dù các thương hiệu công nghệ lớn đang hướng tới chủ nghĩa tối giản, họ vẫn chưa hoàn toàn từ bỏ cách tiếp cận nhiều sắc màu. Thay vào đó, họ sử dụng màu sắc một cách chiến lược để thích ứng với những tình huống khác nhau nhằm tạo ảnh hưởng tối đa:


  • Sự kiện cao cấp và thị trường đại trà:  Apple là bậc thầy trong sách lược này. Những buổi ra mắt sản phẩm mới của họ là minh chứng cho chủ nghĩa tối giản thuần khiết, nhấn mạnh vào thiết kế bóng bẩy và phảng phất vẻ thượng lưu. Trong khi đó, tại những thị trường như Ấn Độ, Xiaomi tràn ngập các con phố với màu cam đặc trưng của mình, nhắm đến sự chú ý ngay lập tức và độ nhận diện trong một không gian đông đúc. Nghiên cứu của Đại học Maryland phát hiện rằng người tiêu dùng thường liên kết thiết kế tối giản với mức giá cao hơn, phù hợp với định vị của Apple.

  • Chiến trường kỹ thuật số:  Kể cả những công ty với khao khát về nét thẩm mỹ thanh lịch vẫn hiểu rõ nhu cầu phải nổi bật trên mạng xã hội và tại các tab trình duyệt.Sử dụng ảnh đại diện đầy màu sắc hay favicon là cách nhanh chóng để tỏa sáng, thể hiện họ vẫn có thể bắt mắt và thu hút. Theo một khảo sát của QuickSprout, 93% người tiêu dùng coi ngoại hình là một yếu tố then chốt trong các quyết định mua hàng, cho thấy vì sao ngay cả những thương hiệu cao cấp vẫn giữ lại một chút màu sắc khi tranh giành sự chú ý trên mạng.

Bản chất con người của màu sắc

Sự chuyển dịch hướng tới chủ nghĩa tối giản phản ánh cách các “ông lớn” công nghệ nhìn nhận sự thay đổi của người tiêu dùng. Đây là lúc khía cạnh “tinh tế” phát huy tác dụng:


  • Người tiêu dùng dần trưởng thành: Cách tiếp cận tối giản thể hiện vẻ tinh tế, ngầm giả định rằng khán giả đã phát triển ra khỏi nhu cầu về những logo hào nhoáng, rực rỡ. Nó biểu thị sự tự tin, và hấp dẫn những người chuộng tính thẩm mỹ đơn giản và coi trọng chất lượng thay vì sự mới lạ. Nghiên cứu của Help Scout cũng chỉ ra 73% người tiêu dùng thích trải nghiệm thương hiệu đơn giản, củng cố sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng này.

  • Tôn trọng thị hiếu: Một logo tối giản không chỉ phục vụ mục đích thiết kế. Nó có thể là một cử chỉ tôn trọng, thể hiện niềm tin vào khả năng phân biệt thị giác của khách hàng. Trong một thế giới bị các tác nhân kích thích bủa vây, khả năng nổi bật với những hình khối đơn giản và bảng màu dịu nhẹ chính là dấu hiệu của một thương hiệu thực sự mạnh.

Việc lựa chọn màu sắc trong xây dựng thương hiệu là một điệu nhảy tinh tế giữa chiến thuật thu hút sự chú ý và nét thanh lịch, tinh tế. Khi các công ty công nghệ phát triển và thị trường trưởng thành, xu hướng tối giản biểu thị tham vọng, sự tập trung vào chất lượng vượt thời gian, và sự tôn trọng dành cho những khách hàng tinh tế.


Tuy vậy, màu sắc vẫn giữ sức mạnh lớn lao nếu được dùng đúng bối cảnh. Những công ty tạo được sự cân bằng hiệu quả nhất, hiểu khi nào cần nổi bật táo bạo và khi nào cần lùi về một không gian tối giản, tinh tế, là những công ty có khả năng cao nhất trong việc giữ chân khách hàng cả về khía cạnh tâm lý lẫn tài chính.


Commentaires


Top Stories

bottom of page