top of page

Vì sao nhà sản xuất xe điện lớn nhất thế giới lại lấn sân sang vận tải biển

Đã cập nhật: 9 thg 3



Spotify:



Do nhu cầu bùng nổ tại thị trường nước ngoài, BYD giờ đây cần cả một hạm đội tàu riêng để xuất khẩu ô tô.


Mới đây, một con tàu khổng lồ đã chở hơn 5.000 chiếc xe điện từ hai cảng biển ở phía bắc và nam Trung Quốc. Năm ngày sau, nó đi qua eo biển Singapore và hiện đang hướng đến Ấn Độ. Tuy nhiên, điểm đến cuối cùng của nó lại là Châu Âu, nơi phần lớn số ô tô này sẽ được bán.


Tên của con tàu là BYD Explorer No.1 (Nhà Thám Hiểm BYD Số 1). Là chiếc đầu tiên trong hạm đội hùng hậu mà BYD đang xây dựng, nó phản ánh tham vọng của công ty Trung Quốc trong việc thiết lập một đế chế hàng hải nhằm hỗ trợ vị thế mới trên thị trường ô tô toàn cầu.

BYD, được sáng lập bởi nhà nghiên cứu luyện kim người Trung Quốc Vương Truyền Phúc năm 1995, bắt đầu với việc sản xuất pin nhỏ cho các thiết bị di động. Sau đó, hãng mở rộng sang lĩnh vực ô tô và cuối cùng kết hợp hai mảng này để tạo ra xe điện (EV). Chỉ trong hai thập kỷ, BYD đã trở thành nhà sản xuất xe điện lớn nhất Trung Quốc. Tính đến quý IV năm 2023, đây là hãng xe điện số một thế giới.


BYD cung cấp rất nhiều lựa chọn, từ sedan giá cả phải chăng đến SUV hạng sang, và nhu cầu dành cho ô tô của hãng ngày càng tăng ở thị trường hải ngoại. Trong năm 2023, BYD đã xuất khẩu hơn 240.000 chiếc xe, tăng vọt so với mức 55.000 chiếc vào năm 2022. Nhưng hãng đã gặp phải một trở ngại: để tối đa hóa lợi nhuận từ đà tăng trưởng này, BYD cần mở rộng hoạt động kinh doanh, không dừng lại ở sản xuất mà còn tiến vào ngành vận tải biển.


Sự thiếu hụt tàu vận chuyển ô tô


Để hiểu tại sao BYD thực hiện bước đi này, cần tìm hiểu đôi chút về cách vận chuyển ô tô trên biển. Thông thường, ngành vận tải hàng hóa sử dụng các tàu RORO (roll-on/roll-off). Không giống như những loại tàu khác sử dụng cần cẩu để nâng hàng hóa lên tàu, tàu RORO được trang bị đường dốc cho phép các phương tiện tự lái trực tiếp lên boong, khiến toàn bộ quá trình trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.


Nhưng trong vài năm trở lại đây, những con tàu kiểu này đang khan hiếm. Các tàu cũ bị loại bỏ dần, trong khi đơn đặt hàng tàu mới lại giảm do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và xu hướng nâng cấp toàn ngành nhằm sử dụng các nhiên liệu thân thiện với môi trường hơn, dẫn đến hụt nguồn cung.


Ngoài ra, hầu hết các công ty ô tô đều có mối quan hệ lâu dài với các hãng tàu hoặc sở hữu hạm đội tàu riêng của mình. Đơn cử, các hãng xe Nhật Bản như Nissan và Toyota đều có đội tàu RORO có thể chuyên chở hàng chục nghìn chiếc ô tô mỗi chuyến. Tuy nhiên, các tàu chở ô tô nội địa của Trung Quốc chỉ chiếm 2,8% công suất vận chuyển toàn cầu, khiến các thương hiệu Trung Quốc có ít lựa chọn khi muốn đưa sản phẩm ra thế giới.


Do đó, chi phí thuê tàu RORO đã trở nên đắt đỏ. Theo Clarksons Research, bộ phận chuyên phân tích của nhà cung cấp dịch vụ vận tải biển lớn nhất thế giới, giá thuê một tàu chở ô tô trong một ngày đã tăng vọt lên mức 115.000 USD vào năm 2023 - mức cao nhất trong lịch sử và gấp gần 7 lần giá thuê trung bình trước đại dịch là 17.000 USD vào năm 2019.


Nhu cầu vận chuyển ô tô mới chủ yếu đến từ Trung Quốc - quốc gia đang trên đà trở thành nhà xuất khẩu ô tô lớn nhất thế giới (thực tế, quốc gia này có thể đã chiếm vị trí dẫn đầu vào năm 2023 nhưng chúng ta cần chờ số liệu chính thức để xác nhận). Sản phẩm xuất khẩu là sự kết hợp giữa xe xăng truyền thống, xe điện do các công ty Trung Quốc sản xuất và xe Tesla xuất xưởng từ nhà máy Giga Thượng Hải.


Năng lực vận tải hạn chế chính là điều kìm hãm bước tiến của Trung Quốc.


Lựa chọn con đường riêng


Đó là lý do vì sao các công ty ô tô Trung Quốc, vốn trở thành nhà xuất khẩu nổi bật nhờ sự trỗi dậy của xe điện, đang bắt đầu "tậu" cho mình đội tàu riêng.


Tin đồn BYD đang tìm kiếm cơ hội mua hoặc thuê tàu lần đầu tiên được đăng tải bới hãng truyền thông chuyên về vận tải biển Lloyd's List vào cuối năm 2022. Tháng 12 năm đó, BYD đã thay đổi giấy phép đăng ký kinh doanh để thêm vào các dịch vụ vận chuyển hàng hóa quốc tế và quản lý tàu.


BYD Explorer No.1 được bàn giao vào đầu năm nay. Tàu RORO với sức chứa 7.000 ô tô này chính thức được đăng ký dưới tên Zodiac Maritime - một công ty của Vương quốc Anh do ông trùm ngành tàu biển Israel, Eyal Ofer, kiểm soát. BYD đã thuê con tàu này với thời hạn chưa được tiết lộ. Trong thông cáo báo chí, BYD cho biết hãng có kế hoạch bổ sung thêm 7 tàu nữa vào hạm đội trong vòng 2 năm tới, đồng thời sẽ cho các công ty khác thuê chỗ trên tàu BYD để xuất khẩu sản phẩm.


Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc - Tân Hoa Xã, trong chuyến hải trình đầu tiên, con tàu đang chở hơn 5.000 chiếc xe BYD và hướng đến các cảng Vlissingen ở Hà Lan và Bremerhaven ở Đức.


BYD không phải là nhà sản xuất ô tô Trung Quốc duy nhất thực hiện động thái này. SAIC Motor, một công ty nhà nước của Trung Quốc, đã bán được 1,2 triệu xe ra thị trường nước ngoài trong năm 2023, trong đó 24% là xe điện. Hãng đã thành lập một công ty con chuyên về vận tải RORO vào năm 2021, và con tàu RORO mới nhất của hãng, cũng là loại lớn nhất và có thể chở 7.600 chiếc ô tô, cũng đã ra khơi lần đầu tiên vào tháng Giêng. Giống như BYD Explorer No.1, con tàu này cũng đang đi tới Châu Âu.


Mặc dù BYD đã thông báo rằng hãng sẽ bổ sung công nghệ pin lưu trữ năng lượng cho các tàu của mình, nhưng những con tàu RORO mà hãng đang thuê hiện tại vẫn chưa sử dụng điện. Hầu hết các tàu mới hơn đều có thể hoạt động bằng nhiên liệu truyền thống hoặc khí đốt tự nhiên hóa lỏng - một nguồn năng lượng sạch hơn.


Từ vận chuyển bột giấy đến xe hơi



Các công ty Trung Quốc sẽ cần một khoảng thời gian để hoàn tất "đế chế" vận tải biển của mình, vì việc đóng tàu mới có thể kéo dài hàng năm. Trong thời gian chờ đợi, một số công ty đã chuyển sang những giải pháp sáng tạo để giải quyết tình trạng thiếu nguồn cung: tái sử dụng những con tàu được thiết kế cho các loại hàng hóa khác.


Cụ thể, họ để mắt đến những con tàu khổng lồ thường được sử dụng để nhập khẩu hàng nghìn tấn bột giấy từ Nam Mỹ đến Trung Quốc, nơi nó được chế biến thành các sản phẩm sử dụng hàng ngày như khăn giấy, giấy viết và sách. Những tàu chở bột giấy này thường trở về trống rỗng hoặc chỉ chở rất ít hàng trên đường về, vì Trung Quốc không có mặt hàng tương tự để xuất khẩu.


Tuy nhiên, trong những năm gần đây, các công ty ô tô Trung Quốc đã bắt đầu bán sản phẩm của họ tại thị trường Nam Mỹ, và các hãng tàu nhận thấy cơ hội nơi đây. China Ocean Shipping Company (COSCO), một trong những công ty vận tải lớn nhất thế giới, đã thiết kế một loại giá xếp có thể gấp gọn để chở ô tô và xếp chồng thành nhiều tầng trong tàu chở bột giấy. Vào tháng 7 năm ngoái, COSCO đã chất hơn 2.700 chiếc ô tô lên một con tàu như vậy và gửi chúng đến Brazil.


Với những giải pháp tạm thời kiểu này cùng các tàu RORO mới được chế tạo, tình trạng tắc nghẽn vận chuyển đối với các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc có thể giảm đáng kể trong vài năm tới. Việc sở hữu hạm đội riêng hoặc thuê tàu từ các công ty vận tải biển nội địa cũng có thể giảm chi phí hơn nữa, giúp xe hơi "made in China" cạnh tranh hơn trên trường quốc tế.


Và giống như cách ngành công nghiệp ô tô ở Nhật Bản và Hàn Quốc đã thúc đẩy hai quốc gia này trở thành những cường quốc vận tải biển, không chừng xe điện cũng sẽ đưa Trung Quốc lên vị thế tương tự trên đại dương xanh.

Comments


Top Stories

bottom of page