top of page

Tại Sao Hàng Trăm Ngân Hàng tại Mỹ Có Nguy Cơ Phá Sản?



Trong bối cảnh rộng lớn của ngành ngân hàng Hoa Kỳ, một cuộc khủng hoảng đáng kể nhưng thường bị bỏ qua đang diễn ra giữa hàng trăm ngân hàng nhỏ. Các tổ chức này đang phải vật lộn với hai mối đe dọa: rủi ro từ các khoản vay bất động sản thương mại cùng với hậu quả của việc tăng lãi suất nhanh chóng. Tình huống này đặt ra rủi ro không chỉ cho chính các ngân hàng mà còn cho toàn bộ nền kinh tế Hoa Kỳ, đặc biệt ở những cộng đồng phụ thuộc nhiều vào các tổ chức tài chính nhỏ hơn này.


Các mối đe doạ kép


Tác động của các khoản cho vay bất động sản thương mại


Các ngân hàng nhỏ ở Hoa Kỳ hiện đang đối mặt với những mối đe dọa đáng kể từ hai mặt trận chính: các khoản cho vay bất động sản thương mại và tác động của việc tăng lãi suất nhanh chóng. Một phần đáng kể trong danh mục cho vay của các ngân hàng này gắn liền với bất động sản thương mại, vốn được truyền thống xem là một khoản đầu tư vững chắc.


Tuy nhiên, với hơn 929 tỷ đô la giá trị các khoản cho vay như vậy sẽ đáo hạn vào năm 2024 - một mức tăng đáng kể do gia hạn hàng loạt từ năm 2023 - rủi ro đã tăng lên nhiều. Những khoản vay này thường được gia hạn như một giải pháp ngắn hạn cho những khó khăn về tài chính các bên vay gặp phải trong thời kỳ suy thoái kinh tế, nhưng khi chúng sắp đến hạn, các ngân hàng đang đối mặt với nguy cơ vỡ nợ tăng cao.


Thị trường bất động sản thương mại rất nhạy cảm với những thay đổi về kinh tế. Trong những thời kỳ thịnh vượng kinh tế, các tài sản này hoạt động tốt, mang lại thu nhập ổn định cho các bên cho vay. Tuy nhiên, trong thời kỳ suy thoái kinh tế, thị trường này có thể nhanh chóng trở thành một khoản nợ nguy hiểm.


Các bất động sản có thể mất giá trị, hoặc các bên thuê có thể không thanh toán tiền thuê theo đúng kỳ hạn, ảnh hưởng đáng kể đến doanh thu từ các khoản đầu tư này. Đối với các ngân hàng nhỏ, vốn có thể không có danh mục đầu tư đa dạng như các tổ chức lớn hơn, một đợt suy thoái trong khu vực này đặc biệt có thể gây tàn phá.


Rủi ro từ việc tăng lãi suất


Tốc độ tăng lãi suất mạnh mẽ thời gian gần đây của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed) đã thêm một tầng phức tạp nữa vào tình hình vốn đã bấp bênh. Các đợt tăng lãi suất này được khởi xướng như một biện pháp đối phó với lạm phát nhưng lại có các tác dụng phụ đến chi phí vay nợ.


Lãi suất cao hơn đồng nghĩa với chi phí trả nợ cao hơn cho các bên đi vay, tác động đặc biệt đến những người vay có lãi suất thả nổi, bao gồm cả nhiều khoản vay trong khu vực bất động sản thương mại. Khi các chi phí này tăng lên, khả năng vỡ nợ cũng tăng theo, đặc biệt nếu các điều kiện kinh tế không đồng thời được cải thiện.


Đối với các ngân hàng nhỏ và khu vực, kịch bản này thể hiện một sự nguy hiểm kép. Một mặt, thu nhập của họ từ lãi suất cho vay tăng theo lãi suất cao hơn, nhưng mặt khác, rủi ro vỡ nợ cũng tăng thêm. Điều này đặc biệt rắc rối đối với các khoản cho vay được thế chấp bằng bất động sản thương mại, nơi giá trị của tài sản thế chấp có thể không còn đủ để trang trải khoản nợ nếu thị trường suy giảm.


Mối nguy hiểm thực sự đến đâu?


Rủi ro đáo hạn cho vay và tái cấp vốn


Số lượng lớn các khoản vay đáo hạn vào năm 2024 đặt ra một rủi ro mang tính hệ thống không chỉ cho các ngân hàng riêng lẻ mà còn đối với hệ sinh thái ngân hàng rộng lớn hơn. Những khoản vay này, nếu vỡ nợ, có thể dẫn đến những tổn thất đáng kể cho các ngân hàng.


Tình hình trở nên tồi tệ hơn do những đợt "gia hạn hàng loạt" được thực hiện trong các giai đoạn đầu của bất ổn kinh tế. Các đợt gia hạn này thường được xem là những biện pháp cầm cự cần thiết nhưng đã dẫn đến việc tập trung rủi ro vào tương lai gần, khi một lượng lớn nợ sẽ cần được hoàn trả hoặc tái cấp vốn trong các điều kiện kinh tế có thể kém thuận lợi hơn.


Việc tái cấp vốn cho các khoản vay này có thể khó khăn. Nếu môi trường kinh tế vẫn căng thẳng và giá trị bất động sản sụt giảm, các bên vay có thể sẽ khó đảm bảo các điều khoản tài chính mới một cách bền vững. Hơn nữa, nếu các ngân hàng thắt chặt các tiêu chí cho vay để đáp lại sự gia tăng rủi ro, các tuỳ chọn tái cấp vốn cho các bên vay sẽ lại càng ít đi.


Giám sát pháp lý và các giải pháp tiềm năng cho các ngân hàng có rủi ro


Các biện pháp chủ động của các cơ quan quản lý


Các cơ quan quản lý đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì sự ổn định của hệ thống tài chính, đặc biệt trong những thời kỳ bất ổn kinh tế đe dọa khả năng thanh toán của các tổ chức tài chính. Nhận thức được những thách thức đặt ra cho các ngân hàng nhỏ và khu vực, đặc biệt là những ngân hàng có nhiều khoản vay bất động sản thương mại và dễ bị tác động bởi việc tăng lãi suất, các cơ quan quản lý đang tăng cường các cơ chế giám sát và hỗ trợ của họ.


Tăng cường giám sát và tư vấn


Các cơ quan quản lý đang sử dụng nhiều công cụ để theo dõi chặt chẽ tình hình tài chính của các ngân hàng. Điều này bao gồm việc sử dụng các bài kiểm tra sức chịu đựng được thiết kế để mô phỏng cách các ngân hàng đối phó với tình trạng khó khăn kinh tế nghiêm trọng, đánh giá các khoản cho vay, và các cuộc kiểm toán thường xuyên hơn.


Ngoài các biện pháp này, các cơ quan quản lý còn đánh giá chi tiết về sức khoẻ tài chính và các khuyến nghị cụ thể đối với việc tăng cường bảng cân đối kế toán của ngân hàng. Lời khuyên thường tập trung vào nhu cầu huy động thêm vốn, cải thiện tính thanh khoản hoặc giảm rủi ro tiếp xúc với các khoản đầu tư có mức rủi ro cao.


Giao tiếp và hướng dẫn


Các cơ quan quản lý cũng đang tăng cường giao tiếp với ngành ngân hàng, cung cấp hướng dẫn về các hoạt động tốt nhất cho quản lý rủi ro và bảo toàn vốn. Cuộc đối thoại này giúp đảm bảo rằng các ngân hàng không chỉ được nhận thức về các kỳ vọng từ các cơ quan quản lý mà còn hiểu rõ về các dự báo kinh tế và các điều kiện thị trường mà có thể ảnh hưởng đến hoạt động của họ.


Thúc đẩy ngân hàng tăng vốn


Đối với các ngân hàng đối mặt với rủi ro vi phạm các yêu cầu vốn tối thiểu, các cơ quan quản lý đang khuyến khích một số chiến lược để bảo vệ tương lai của các tổ chức này:


  • Khuyến khích huy động vốn: Một trong những khuyến nghị chính cho các ngân hàng có rủi ro là tìm kiếm nguồn vốn mới. Điều này có thể đạt được thông qua nhiều cách khác nhau như phát hành cổ phiếu mới, tìm các khoản đầu tư tư nhân, hoặc tham gia vào các chương trình cho vay được chính phủ hỗ trợ vốn được thiết kế để tăng cường vốn ngân hàng.

  • Tạo điều kiện cho các vụ sáp nhập và mua lại ngân hàng (M&A): Trong bối cảnh thị trường M&A ngân hàng đang chậm lại, các cơ quan quản lý đang tìm cách tạo điều kiện cho các quy trình này, đặc biệt đối với các ngân hàng có thể không thể sống sót một cách độc lập. Các cơ quan quản lý đang tìm cách để tinh giản quá trình phê duyệt và cung cấp các hướng dẫn rõ ràng hơn về các hoạt động M&A. Tuy nhiên, tăng cường giám sát đối với các vụ M&A ngân hàng, phản ánh những lo ngại về việc giảm tính cạnh tranh hoặc tạo ra các tổ chức "quá lớn để sụp đổ", khiến cho các ngân hàng khó theo đuổi việc M&A như một chiến lược sinh tồn, cho dù đó là giải pháp tốt cho một số trường hợp.


Hệ quả kinh tế và con đường phía trước cho các ngân hàng nhỏ và khu vực


Tác động đến các nền kinh tế địa phương


  • Động lực cho các cộng đồng địa phương:  Các ngân hàng nhỏ và khu vực không chỉ là nhà cung cấp vốn, mà còn thường có các chuyên viên am hiểu môi trường địa phương. Điều này tạo điều kiện đưa ra các quyết định cho vay được căn cứ vào bối cảnh cụ thể, và khuyến khích phát triển cộng đồng ở mức độ mà các ngân hàng quốc gia lớn khó có thể thực hiện.


  • Hỗ trợ đổi mới ở địa phương:  Các ngân hàng nhỏ và khu vực thường sẵn sàng hơn so với các đối thủ lớn trong việc cấp vốn cho các dự án mới trong địa phương, đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy tính năng động ở trong cộng đồng. Sự sụp đổ của các ngân hàng này có thể làm đình trệ khả năng đổi mới, dẫn đến sự trì trệ trong nền kinh tế địa phương. Như một bản báo cáo của Cục Quản Lý Doanh Nghiệp Nhỏ Hoa Kỳ (SBA) cho thấy các ngân hàng nhỏ là các bên cho vay nhiều nhất thông qua Quỹ Cho Vay Doanh Nghiệp Nhỏ, nhấn mạnh vai trò của họ trong thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp. Điều này rất quan trọng ở những khu vực với nền kinh tế kém sôi động hơn, nơi các ngân hàng như vậy có thể là nguồn tài chính duy nhất cho các doanh nghiệp.

Tầm quan trọng của niềm tin và sự ổn định


  • Niềm tin là nền tảng trong hoạt động của ngân hàng: Ngành ngân hàng có một sự phụ thuộc đặc biệt vào niềm tin của khách hàng. Niềm tin đảm bảo sự ổn định của tiền gửi do khách hàng gửi vào và tính liên tục của hoạt động cho vay—hai yếu tố rất quan trọng đối với hoạt động hàng ngày của ngân hàng và nền kinh tế nói chung. Mất đi niềm tin có thể dẫn đến hiện tượng "run on the bank" (khách hàng ồ ạt rút tiền gửi), khi một số lượng lớn khách hàng rút tiền của họ cùng một lúc, lo sợ về nguy cơ mất tiền gửi. Kịch bản này có thể nhanh chóng leo thang từ một cuộc khủng hoảng thanh khoản đến một khủng hoảng khả năng thanh toán, trong đó các ngân hàng có thể bị buộc phải thanh lý tài sản với lỗ để trang trải các khoản rút tiền, khiến cho khó khăn tài chính của họ càng thêm trầm trọng.


  • Duy trì niềm tin công chúng  Để duy trì niềm tin quan trọng này, tính minh bạch và thông tin đầy đủ là then chốt. Các ngân hàng phải thường xuyên trấn an các bên liên quan về sức khoẻ tài chính của mình thông qua các thông điệp rõ ràng và nhất quán, đặc biệt trong những thời kỳ nền kinh tế có áp lực cao hơn. Các cơ quan quản lý cũng đóng một vai trò quan trọng thông qua hoạt động giám sát và thúc đẩy các hoạt động tăng cường độ vững chãi cho ngân hàng. Chẳng hạn, FDIC bảo hiểm khoản tiền gửi lên đến $250.000, giúp trấn an người gửi tiền là tiền của họ vẫn an toàn ngay cả khi một ngân hàng bị phá sản. Cơ chế bảo hiểm này rất đóng vai trò then chốt trong việc duy trì niềm tin của những người gửi tiền, đặc biệt là trong các thời kỳ suy thoái kinh tế.


Hệ quả kinh tế của việc các ngân hàng nhỏ và khu vực sụp đổ vươn xa ra ngoài chính các tổ chức tài chính này, và có tác động đến mọi khía cạnh của các cộng đồng mà họ phục vụ. Khoản nợ lớn của các ngân hàng nhỏ và khu vực đang phải xoay vòng trong bối cảnh nền kinh tế vĩ mô thách thức sẽ tạo ra tác động tiêu cực, đặc biệt tại các cộng đồng vốn đã dễ bị tổn thương.


Ngân hàng nhỏ và khu vực đóng vai trò rất quan trọng trong hoạt động kinh tế địa phương, thúc đẩy đổi mới và phát triển việc làm. Do đó, việc duy trì tình trạng khoẻ mạnh và sự ổn định của các ngân hàng này không chỉ là một ưu tiên về tài chính, mà còn là một việc rất quan trọng cho cộng đồng.


Sắp tới, các ngân hàng này sẽ tiếp tục cần phải thích nghi với các điều kiện kinh tế thay đổi, tăng cường các hoạt động tài chính, và duy trì niềm tin của cộng đồng để họ có thể tiếp tục phục vụ với vai trò là các trụ cột của các nền kinh tế địa phương.


Giải thích thuật ngữ:

  • Rủi ro thương mại (Commercial real estate loan):  Các khoản vay dành cho bất động sản thương mại, chẳng hạn như văn phòng, cửa hàng, hay khu chung cư.

  • Lãi suất (Interest rate): Phí mà người vay phải trả cho người cho vay để sử dụng tiền của họ. Lãi suất cao hơn đồng nghĩa với chi phí vay vốn cao hơn.

  • Tái cấp vốn (Refinancing):  Quá trình vay một khoản vay mới để trả một khoản vay cũ.

  • Đáo hạn (Maturity):  Ngày mà khoản vay đến hạn thanh toán.

  • Bảng cân đối kế toán (Balance sheet): Báo cáo tài chính cung cấp cái nhìn tổng quan về tình hình tài chính của một tổ chức tại một thời điểm cụ thể, liệt kê các tài sản, nợ phải trả và vốn chủ sở hữu.

  • Bảo hiểm tiền gửi (Deposit insurance): Chương trình bảo hiểm tiền gửi của khách hàng trong ngân hàng lên đến một giá trị nhất định, ví dụ như $250,000 của FDIC tại Hoa Kỳ.

  • Thanh khoản (Liquidity):  Khả năng dễ dàng chuyển đổi tài sản thành tiền mặt.


Comments


Top Stories

bottom of page