Sự trỗi dậy bí ẩn của gã khổng lồ thương mại điện tử đứng sau Temu
Chiến dịch quảng cáo "mua sắm như tỷ phú" của công ty thương mại điện tử nhằm quảng bá chợ trực tuyến của họ tràn ngập khắp nơi. Allen đáp lại bằng cách mua lại lô hàng bị trả lại, với hy vọng hé lộ trải nghiệm của người Mỹ với Temu.
Nằm giữa đống quần áo, túi xách, dụng cụ, đồ chơi và thiết bị nhà bếp cực kỳ rẻ tiền là những món đồ nhái nhãn hàng thiết kế, làm dấy lên câu hỏi: "Làm thế nào mà họ thoát tội được vậy?". Allen hỏi về chiếc túi nhái Victoria's Secret, trước khi giật lùi vì mùi hôi bốc lên từ nó.
Tất cả đều được chuyển từ Trung Quốc bởi công ty mẹ của Temu, PDD Holdings, một tập đoàn tự xưng là "tập đoàn nông nghiệp" đang tham gia vào hoạt động mở rộng bán lẻ nhanh chóng và đầy tham vọng nhất lịch sử.
Với Temu, PDD không muốn gì ngoài thay đổi toàn bộ cách thế giới mua sắm. Một phiên bản Amazon nhanh hơn, gọn gàng hơn và rẻ hơn đã lan rộng từ Trung Quốc đến 49 quốc gia chỉ sau chưa đầy hai năm hoạt động.
Kế hoạch của họ là sử dụng quảng cáo để thu hút người tiêu dùng phương Tây đến với Temu. Tại đây, thuật toán và AI sẽ dự đoán mong muốn của họ. Sản phẩm được vận chuyển miễn phí trực tiếp từ các nhà máy ở Trung Quốc, cắt bỏ khâu trung gian và đảm bảo mức giá thấp.
Ứng dụng chị em của Temu, Pinduoduo, đã thống trị Trung Quốc. Khi còn công bố các số liệu, PDD báo cáo hơn 870 triệu người dùng tích cực tại quốc gia này, được cung cấp hàng bởi hơn 13 triệu người bán. PDD tuyên bố những đối tác này cùng tạo ra một phần ba tổng lưu lượng bưu kiện trong cả nước, tính tới hàng chục tỷ gói hàng mỗi năm.
Sau chỉ 9 năm kinh doanh, PDD hiện đang theo sát gã khổng lồ thương mại điện tử lớn nhất thế giới Alibaba, cả về quy mô bán lẻ lẫn vốn hóa thị trường chứng khoán. Với giá trị 162 tỷ USD, PDD liên tục thay thế người khổng lồ bán lẻ lâu đời hơn để trở thành công ty Trung Quốc có giá trị nhất được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Hoa Kỳ.
Nhưng câu chuyện được kể bởi những con số đáng kinh ngạc này ẩn chứa nhiều bí ẩn và đặt ra nhiều câu hỏi hơn cần giải đáp.
Ví dụ, tại sao PDD lại trông nhỏ bé hơn nhiều so với các công ty cùng ngành khi so sánh số lượng nhân viên và chi tiêu nghiên cứu? Tại sao các đối thủ cạnh tranh lại chưa mô tả tác động của sự trỗi dậy của PDD? Tại sao các chỉ số bảng cân đối kế toán lại biến động khác biệt so với doanh thu? Làm thế nào một công ty trị giá 200 tỷ USD lại chỉ sở hữu chưa đến 150 triệu USD tài sản hữu hình?
Có một câu hỏi lớn hơn từ tất cả những điều này: tại sao các nhà đầu tư Hoa Kỳ lại tin tưởng vào một hoạt động thiếu minh bạch, với những báo cáo tài chính dường như chẳng theo quy luật nào, lại còn có trụ sở quản lý, ban kiểm toán và cơ quan quản lý đặt ở một khu vực pháp lý không thể chạm tới?
Tuy nhiên, có rất ít công ty đạt được lời hứa lớn như PDD với các nhà đầu tư. Công ty này hoạt động như một sự kết hợp giữa eBay và khu chợ của bên thứ ba trên Amazon, để kết nối người mua với người bán nhằm hưởng một phần hoa hồng của mỗi giao dịch, đồng thời tính phí để người bán quảng cáo sản phẩm trên nền tảng.
Trong quý gần đây nhất, doanh thu của họ tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 9,4 tỷ USD. Điều này đã thúc đẩy người sáng lập Alibaba, Jack Ma, kêu gọi công ty cũ phải "thay đổi và cải cách". PDD báo cáo dòng tiền 2,5 tỷ USD, ngay cả khi dường như nền tảng này đang rót những khoản tiền rất lớn vào việc mở rộng Temu.
PDD đã đạt được điều này với số lượng nhân sự đảo lộn mọi giả định về hoạt động logistics cho thương mại điện tử: họ bắt đầu năm 2022 với 12.992 nhân viên, ít hơn một bậc so với Alibaba, và là một phần rất nhỏ trong tổng số 1,5 triệu nhân viên của Amazon.
Hệ thống cơ sở vật chất của PDD cũng vô cùng nhỏ, tương phản hoàn toàn với Amazon, JD.com và Alibaba. Từ lâu, kiểm soát chuỗi hậu cần luôn được coi là lợi thế cạnh tranh; một cách để đảm bảo tốc độ, năng lực hoạt động và dịch vụ đạt yêu cầu.
Trong khi Alibaba chi 5 tỷ USD mỗi năm cho tài sản và thiết bị, bao gồm cả việc duy trì 1.100 kho, thì PDD chỉ sở hữu 146 triệu USD tài sản hữu hình - chủ yếu là thiết bị văn phòng, phần cứng CNTT và phần mềm.
PDD không tiết lộ việc thuê bất kỳ kho nào trước năm 2021; khi đó, họ cho biết mảng kinh doanh tạp hóa trực tuyến mới chỉ một năm tuổi đã mở rộng để phục vụ hơn 300 thành phố lớn ở Trung Quốc. PDD không báo cáo quy mô, vị trí hoặc số lượng nhà kho thuê.
Các hoạt động hậu cần, giống như máy chủ và trung tâm dịch vụ khách hàng của PDD, hầu hết được thuê ngoài, hoạt động nhất thời và không có số liệu rõ ràng. Sự mờ đục này cũng len lỏi vào nội bộ doanh nghiệp. Nhân viên sử dụng nickname và biết rất ít về các nhóm khác. Cơ cấu tổ chức rất phẳng, với một nhóm nhỏ người ra quyết định chỉ đạo nhóm "cơ sở", những người trẻ được chọn vì hoàn cảnh khó khăn hoặc các khoản nợ khiến họ có động lực làm việc nhiều giờ. PDD tuyên bố: "Nhân viên có quyền truy cập vào tất cả thông tin cần thiết để cộng tác hiệu quả giữa các nhóm và hoàn thành vai trò của họ".
Bí mật như vậy là dấu ấn Colin Huang, cựu kỹ sư Google, người đã thành lập Pinduoduo vào năm 2015 và trong một thời gian dài che giấu quyền sở hữu của mình với công ty. Ban đầu, Pinduoduo thu hút người dùng bằng cách mô phỏng hoạt động giao dịch thành trò chơi. Tự mô tả mình trong một thời gian là "Costco + Disney", Pinduoduo cung cấp các trò chơi bắt chước các tựa game gây nghiện như Farmville và Candy Crush.
Cùng với tính năng thanh toán siêu nhỏ, hệ thống thưởng, phiếu giảm giá và ưu đãi được tính toán kỹ lưỡng, người ta cho rằng phần mềm này khiến người tiêu dùng quay lại ứng dụng nhiều lần. Tại đây, họ bị cám dỗ để mua sắm bốc đồng hoặc quảng bá Pinduoduo với bạn bè của họ. Đến năm 2018, ứng dụng này có 300 triệu khách hàng, và sau ba năm hoạt động, công ty đã niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Nasdaq, huy động được 1,7 tỷ USD.
Phó chủ tịch phụ trách chiến lược của PDD - David Liu, cựu nhân viên ngân hàng Goldman Sachs, đã mô tả "mô hình kinh doanh dựa trên khuyến khích tiêu dùng" trong một podcast năm 2019. Ông nói rằng thay vì tìm kiếm các mặt hàng cụ thể, mọi người đã đến Pinduoduo để xem hàng hóa. Tại đây, hệ thống thuật toán và các ưu đãi được nhắm mục tiêu cao sẽ khuyến khích chia sẻ các giao dịch mua hàng trên mạng xã hội. Theo Tổng giám đốc điều hành Chen Lei, sự phổ biến của internet di động đã tạo ra một “mô hình mới”.
Những mô tả của họ khó phù hợp với các con số. Hầu như tất cả doanh thu của PDD khi đó đều đến từ các dịch vụ tiếp thị, nơi các nhà bán hàng "đấu giá cho các từ khóa phù hợp với danh sách sản phẩm xuất hiện trong kết quả tìm kiếm hoặc trình duyệt".
Một lợi ích khác được PDD ca tụng là những hiểu biết sâu sắc về nhu cầu của người tiêu dùng, điều được PDD trao đổi lại với người bán. Là một ví dụ về thông tin tiên tiến này, Liu đã nói về một nhà sản xuất đồ thủy tinh cung cấp sản phẩm cho các nhà bán lẻ lớn ở phương Tây:
Lý thuyết về mô hình kinh doanh của PDD nhanh chóng mâu thuẫn với thực tế. Trong một động thái chiến lược bất ngờ, Pinduoduo bắt đầu tự bán hàng hóa. Công ty này bắt đầu mô hình bán lẻ bên thứ nhất theo kiểu Amazon, xuất phát từ việc mọi người tìm kiếm các sản phẩm trên nền tảng. “Chúng tôi nhận thấy có nhu cầu tiêu dùng trên nền tảng của mình, mà chúng tôi vẫn chưa thể xác định được nhà cung cấp phù hợp", PDD cho biết vào cuối năm 2020.
Khi được hỏi trong cuộc họp báo cáo doanh thu vào tháng 3 năm 2021 rằng PDD đang bán "cụ thể những gì" trong thử nghiệm này, Liu đã không đưa ra ví dụ. Ông chỉ nói rằng các danh mục sản phẩm "thực sự khá đa dạng".
Trong năm 2020 và 2021, PDD báo cáo đã bán được 2 tỷ USD hàng hóa mà không tiết lộ bất kỳ khoản hàng tồn kho nào trên bảng cân đối kế toán, cũng như giá vốn hàng bán - hai mục kế toán bán lẻ tiêu chuẩn. Sau đó, họ ngừng bán những loại hàng hóa bí ẩn cũng đột ngột như khi nền tảng này bắt đầu kinh doanh chúng.
Việc thử nghiệm kết thúc có thể đã bị các sự kiện khác lu mờ. Người sáng lập Huang, một trong những người giàu nhất Trung Quốc, đã từ chức vào năm 2021 với mong muốn nghiên cứu khoa học thực phẩm và khoa học đời sống. Bức thư của ông viết: "Tôi sẽ cảm thấy rất may mắn và hạnh phúc nếu có cơ hội trở thành trợ lý nghiên cứu cho một nhà khoa học có thể vĩ đại trong tương lai".
Ông được thay thế bởi các đồng giám đốc điều hành, Chen và Jiazhen Zhao. Ngoài công việc tại PDD, Zhao cũng kiểm soát một công ty cung cấp dịch vụ thanh toán cho chính PDD - khoản đầu tư mà ông có được nhờ khoản vay 100 triệu USD từ tập đoàn này.
Ngay sau khi Huang rời đi, PDD đã bất ngờ chuyển sang trạng thái có lãi. Từng lỗ 4,2 tỷ USD trong ba năm, PDD báo cáo thu nhập 380 triệu USD trong quý thứ hai của năm 2021. Đây là một thời điểm quan trọng, vì tập đoàn đã huy động được 11,6 tỷ USD từ việc bán cổ phiếu và trái phiếu chuyển đổi thành cổ phần, để hỗ trợ một mô hình kinh doanh "chi tiêu bây giờ để thu lợi nhuận sau".
Thay vì tập trung vào cột mốc này trong cuộc họp báo cáo doanh thu tháng 8 năm 2021, Chen đã mô tả nỗ lực của PDD trong việc hỗ trợ tỉnh Hà Nam sau khi nơi này bị ảnh hưởng bởi mưa lớn.
Đáng ngạc nhiên hơn, Chen sau đó công bố kế hoạch sử dụng 10 tỷ nhân dân tệ lợi nhuận đầu tiên mà PDD tạo ra. Ông dự định chi toàn bộ số tiền đó cho một "sáng kiến nông nghiệp" mà không có mục đích kinh doanh rõ ràng. Mục tiêu khá mơ hồ và rộng: "tạo điều kiện cho sự tiến bộ của công nghệ nông nghiệp, thúc đẩy hòa nhập kỹ thuật số, đồng thời cung cấp cho các tài năng và người lao động nông nghiệp có động lực lớn hơn, cùng cảm giác đạt được thành tựu", ông nói.
Hiện vẫn chưa rõ khoản tiền này đã được chi tiêu như thế nào, hay thậm chí đã được sử dụng hay chưa. PDD sau đó không cung cấp thông tin chi tiết về sáng kiến này trong báo cáo tài chính, vốn được kiểm toán bởi chi nhánh EY tại Trung Quốc. PDD cũng tiếp tục báo cáo lợi nhuận. Chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển trong năm đó chỉ tăng nhẹ lên tổng cộng 1,5 tỷ USD, quy mô tương tự như eBay hơn là mức chi 8 tỷ USD hàng năm cho phát triển sản phẩm của Alibaba.
Chen khá mơ hồ khi được hỏi về sáng kiến này trong cuộc họp công bố lợi nhuận năm 2022. Ông nói rằng mình đã đánh giá nhiều đề xuất, rằng PDD đang “hợp tác với các trường đại học nông học hàng đầu và các viện nghiên cứu để cùng thực hiện một số dự án nghiên cứu” và việc đầu tư vào nông nghiệp của công ty này còn “ở giai đoạn đầu”.
Có lẽ bí ẩn lớn nhất về PDD là quy mô thực sự của nó.
Một chỉ số được một số doanh nghiệp thương mại điện tử công bố là tổng giá trị hàng hóa (GMV) được bán thông qua nền tảng - hay có thể hiểu như bức tranh về toàn bộ hệ sinh thái bán hàng. Ví dụ, Ebay đã báo cáo GMV là 73 tỷ USD cho sàn giao dịch của mình vào năm ngoái, từ đó họ kiếm được 10 tỷ USD doanh thu.
PDD từng báo cáo một con số như vậy. Trong năm 2021, họ cho biết GMV là 383 tỷ USD. Từ đó, PDD tạo ra tổng cộng 14,7 tỷ USD doanh thu từ các dịch vụ tiếp thị và giao dịch, tỷ lệ 3,6% được gọi là "tỷ lệ hoa hồng".
Tuy nhiên, mặc dù PDD vẫn công bố doanh thu từ các dịch vụ tiếp thị và giao dịch, nhưng họ không còn tiết lộ GMV. Do đó, việc ước tính quy mô hệ sinh thái của họ đã trở thành như thế nào phụ thuộc vào các giả định về tỷ lệ hoa hồng hiện tại, hoặc công ty giữ lại cho mình bao nhiêu phần trăm GMV.
Theo Bloomberg, các nhà phân tích đưa ra một loạt các ước tính cho tổng GMV năm ngoái nằm trong khoảng từ 500 tỷ USD đến 700 tỷ USD, với sự đồng thuận là 550 tỷ USD. Ở mức cao hơn, con số này sẽ tương tự với ước tính cho tổng GMV của Amazon trong năm nay.
Nhưng phức tạp hơn nữa là các số liệu trên bảng báo cáo thu nhập và bảng cân đối kế toán di chuyển với tốc độ rất khác nhau.
Trong quý bùng nổ gần đây, doanh thu dịch vụ tiếp thị tăng trưởng với tốc độ gần như tương tự kể từ giữa năm 2021, khoảng 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhưng trong cùng thời kỳ, doanh thu phí giao dịch tăng gấp 3 lần mức tăng trưởng của dịch vụ tiếp thị.
Dựa trên tỷ lệ phí giao dịch mà PDD báo cáo vào năm 2021, điều đó cho thấy mức độ hoạt động khó xảy ra, khiến hệ sinh thái PDD có quy mô gấp đôi Alibaba và ngang bằng với sản lượng hàng năm trị giá 2,2 nghìn tỷ USD của nền kinh tế Ý.
Thay vào đó, PDD chắc hẳn đang tính phí giao dịch cao hơn rất nhiều cho các bên bán hàng. Khi được hỏi về xu hướng này trong cuộc họp báo cáo thu nhập năm 2022, Chen cho biết mức độ tương tác của người dùng đã góp phần tăng trưởng lợi nhuận và “biến động giữa các quý là điều thường thấy”.
PDD nói với FT rằng họ đã mở rộng dịch vụ của mình để bao gồm “các dịch vụ giao dịch khác nhau”. Nền tảng này không cho biết những dịch vụ bổ sung đó là gì. Các nhà phân tích cho rằng các dịch vụ giao dịch bao gồm doanh thu từ tạp hóa và Temu, vốn có các yếu tố tác động khác so với Pinduoduo.
Trong khi đó, một khoản nợ phải trả vẫn được PDD nêu chi tiết trên bảng cân đối kế toán báo hiệu tốc độ tăng trưởng chậm hơn nhiều đối với GMV.
Vào cuối tháng 9 mỗi năm từ 2018 - 2021, số tiền "phải trả cho người bán" dao động trong khoảng từ bảy đến chín ngày GMV hàng năm. Do đó, con số gần đây nhất cho thấy ước tính GMV năm 2023 là từ 400 tỷ USD đến 500 tỷ USD.
Ở cả hai mức ước tính đó, dường như không thể tránh khỏi việc sự phát triển của PDD sẽ được các đối thủ cạnh tranh cảm nhận rõ ràng. Xét cho cùng, thị trường khách hàng mua sắm trực tuyến là có giới hạn.
Thật khó để phát hiện tác động của PDD trong số liệu của các đối thủ.
Trong cuộc chiến của các khu chợ trực tuyến, Taobao của Alibaba đã báo cáo tỷ lệ hoa hồng được cải thiện, đi cùng số lượng người bán đang tăng lên vào tháng trước. Điều này hầu như không cho thấy dấu hiệu PDD với Pinduoduo đang đè bẹp họ. Ban lãnh đạo của Alibaba cũng chưa đề cập đến đối thủ mới nổi này bằng tên trong bất kỳ cuộc họp công bố lợi nhuận nào.
Bên ngoài Trung Quốc, cả eBay và chuỗi cửa hàng giảm giá Five Below của Mỹ đều cho biết vào năm ngoái, họ không nhận thấy bất kỳ tác động nào đến hoạt động kinh doanh của mình từ Temu. Amazon cũng không nhắc đến Temu khi báo cáo kết quả vào tháng trước.
Giám đốc điều hành của Etsy, Josh Silverman, tập trung vào chiến dịch quảng cáo rầm rộ đến khó hiểu của Temu, được một số nhà phân tích ước tính tiêu tốn hàng tỷ đô la: "Không rõ ràng lắm là họ có tỷ lệ hoàn vốn (ROI) từ số tiền đầu tư hay không. Vì vậy, có vẻ như họ đang chi rất nhiều tiền để có được những khách hàng vốn không có hầu bao rủng rỉnh và có thể không thật sự trung thành."
PDD cho biết họ dự đoán sẽ "hoàn thiện cách tiếp cận tiếp thị, đặt trọng tâm ngày càng nhiều vào việc xây dựng lòng trung thành và sự ủng hộ mạnh mẽ của khách hàng”.
Một số quảng cáo của Temu đề cập trực tiếp đến những lo ngại về nền tảng này. Trong một quảng cáo có phong cách nhái lại các bộ phim về mafia, một tay xã hội đen vuốt râu trầm ngâm: “Quá rẻ. Mọi người có thể không tin là nó có thật."
Nếu những con số của PDD thực sự đáng tin, thì một đội ngũ điều hành khôn ngoan với bộ máy nhân sự hoạt động dưới các bút danh đã tạo ra một trong những doanh nghiệp thành công nhất mà thế giới từng thấy.
Nhưng hiện vẫn chưa rõ ràng làm thế nào vài nghìn nhân viên điều hành PDD quản lý được rủi ro khi xử lý hàng trăm triệu giao dịch và hàng chục triệu nhà cung cấp vận chuyển hàng chục tỷ bưu kiện.
Chỉ lấy một ví dụ, làm thế nào công ty giám sát rủi ro rửa tiền - khi những kẻ xấu có thể sử dụng khách hàng giả để thực hiện các giao dịch giả để gửi tiền cho bên bán cũng không có thật?
PDD cho biết họ hỗ trợ mạng lưới rộng lớn này thông qua "lực lượng lao động cốt lõi và các đối tác chiến lược", đồng thời tận dụng "các giải pháp dựa trên công nghệ để theo dõi và giải quyết các vấn đề như hàng giả". Người phát ngôn của Temu cũng cho biết tất cả các đối tác "phải tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn pháp lý".
Các nhà đầu tư tìm kiếm thêm thông tin chi tiết dường như khó tìm thấy nó tại cuộc họp báo cáo doanh thu gần đây nhất. Chen chỉ nhận tổng cộng sáu câu hỏi từ ba nhà phân tích và đưa ra các tuyên bố nghe giống như khẩu hiệu chính trị của nhà nước.
"Chúng tôi cam kết tạo ra giá trị thông qua đổi mới, vốn là nền tảng cho sự phát triển chất lượng cao của công ty", ông nói, giống hệt với một nguyên tắc trọng tâm trong kế hoạch năm năm mới nhất của Trung Quốc.
Những người đặt câu hỏi cho giám đốc tài chính cũng không thu về được kết quả nào. PDD không có chức danh này. Thay vào đó, kể từ đợt IPO năm 2018 (nếu tính cả giai đoạn người sáng lập Huang kiêm nhiệm), vị trí này đã luân chuyển qua bốn người với chức danh “phó chủ tịch phụ trách tài chính".
Có vẻ như chừng nào lợi nhuận còn khả quan, các nhà đầu tư sẵn sàng chấp nhận sự mù mờ như vậy. Trên Phố Wall, 53 trong số 56 nhà phân tích khuyên khách hàng của họ nên mua cổ phiếu PDD, và không một ai đề nghị bán ra.
Việc không theo các chuẩn mực thông thường dường như biến PDD thành một trang giấy trắng, để các nhà đầu tư nước ngoài tự đưa ra các giả định và xây dựng kỳ vọng. Không giống như các công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ khác, PDD - dù trên danh nghĩa đặt trụ sở chính tại Dublin - vẫn chưa thu hút các nhà đầu tư hiểu rõ nhất về mình bằng cách niêm yết kép tại Hồng Kông.
Cơ chế sở hữu tài sản Trung Quốc của nước ngoài vẫn chưa được thử nghiệm, đồng thời tồn tại "rủi ro pháp lý và hoạt động cao hơn", theo người đứng đầu Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ. Những người nắm giữ cổ phiếu PDD sở hữu cổ phần trong một công ty ở Quần đảo Cayman, được cho là có thỏa thuận hợp đồng chưa được công bố, trao cho họ quyền hưởng lợi nhuận của các công ty điều hành tại Trung Quốc.
Phát ngôn viên cho biết PDD có "cấu trúc lãnh đạo tài chính vững chắc" và "thực hành quản trị doanh nghiệp tốt". Người này cũng nói thêm "thông lệ công bố thông tin của chúng tôi sánh ngang với các công ty cùng ngành" và việc công ty niêm yết tại Mỹ "cung cấp khả năng tiếp cận thị trường vốn và sự minh bạch cần thiết để hỗ trợ các mục tiêu kinh doanh ".
Huang vẫn sở hữu lượng cổ phần lớn nhất trong PDD và cổ phiếu của ông được hội đồng quản trị biểu quyết. Ba giám đốc độc lập của hội đồng bao gồm cựu ngoại trưởng Singapore và một học giả Hà Lan chuyên về an toàn thực phẩm.
Hayden Capital, một nhà đầu tư của công ty, thừa nhận trong một bản ghi nhớ rằng “thiếu minh bạch và lo ngại về quản trị doanh nghiệp” đã khiến các nhà đầu tư e dè trong quá khứ.
Công ty có trụ sở tại New York cho rằng “một công ty không công bố thông tin cho nhà đầu tư, không nhất thiết có nghĩa là họ không quan tâm đến nhà đầu tư”. Để thực sự hiểu được suy nghĩ của PDD, “chúng ta phải phân tích các hành động trong quá khứ”.
Nguồn: Financial Times.
留言