Nga "hãm phanh" đồng rúp: Hậu quả nguy hiểm rình rập nếu đồng rúp Nga liên tục nhảy vọt
Liệu rằng việc liên tục tăng giá đồng tiền có phải là một điều luôn tích cực. Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng liên tục răng giá
Đồng rúp Nga hạ nhiệt
Vào thứ Năm (26/5), đồng rúp Nga đã giảm xuống mức thấp nhất trong hai tuần qua vào sau cuộc họp bất thường của Ngân hàng trung ương Nga. Lãi suất được hạ 3 điểm phần trăm từ mức 14% về 11%. Cơ quan quản lý nước này cũng cho hay, sẽ có nhiều đợt cắt giảm hơn nữa trong tương lai.
Đồng rúp trượt xuống mức 1 USD đổi được 65 rúp, sau khi đạt mức cao nhất trong 4 năm với tỷ giá 1 USD chỉ đổi được 56 rúp vào ngày hôm trước 25/5. Trong khi đó, tỷ giá giữa đồng rúp và đồng euro cũng đã giảm với 1 euro đổi được 68 rúp, cũng là mức thấp nhất trong hai tuần, sau khi chạm mức cao nhất trong bảy năm là 1 euro đổi được 57 rúp trong phiên trước đó.
Đồng rúp bắt đầu giảm mạnh từ mức cao nhất trong nhiều năm khi thị trường dự đoán trước được quyết định của ngân hàng trung ương. Tỷ lệ "bốc hơi" gia tăng sau khi Thống đốc Elvira Nabiullina cùng ngày tiết lộ, ngân hàng trung ương có thể sẽ tiếp tục hạ lãi suất trong các cuộc họp tiếp theo vào ngày 10/6.
Theo RT, động thái mới nhất của Ngân hàng Trung ương Nga là sự cần thiết nhằm ngăn chặn sức mạnh bật vọt của đồng rúp, điều làm dấy lên lo ngại về tác động tiêu cực về doanh thu ngân sách xuất khẩu của nước này.
Hồi đầu tuần này, Nga đã cắt giảm tỷ trọng doanh thu ngoại tệ mà các nhà xuất khẩu phải chuyển đổi thành đồng rúp từ 80% xuống 50%. Đồng rúp tăng giá nhanh chóng là một vấn đề đối với cả các nhà xuất khẩu và ngân sách chính phủ.
Chuyên gia kinh tế chỉ ra mặt trái của đồng rúp mạnh
Chia sẻ với nhật báo RBC (Nga), Tiến sĩ Kinh tế Denis Domashchenko cho hay sự kết hợp giữa đồng rúp mạnh và giá dầu cao sẽ tạm thời kiềm chế lạm phát nhưng cũng có thể đẩy nhanh giá tiêu dùng trong tương lai.
Ông cảnh báo, khi ngành năng lượng ôm khoản doanh thu áp đảo cùng với đồng tiền quốc gia quá mạnh có thể dẫn tới cái gọi là "căn bệnh Hà Lan".
Trong kinh tế học, "căn bệnh Hà Lan" ám chỉ mối quan hệ nhân quả giữa sự gia tăng phát triển kinh tế của một lĩnh vực cụ thể và sự suy giảm trong các lĩnh vực khác. Tình trạng này có thể dẫn đến những hậu quả tiêu cực phát sinh từ việc giá trị đồng tiền của một quốc gia tăng đột biến do tốc độ tăng trưởng nhanh chóng về xuất khẩu hàng hóa của riêng một ngành, thường là nhiên liệu hóa thạch. Lúc đầu, dòng ngoại tệ đổ vào làm giảm lạm phát trong nước, nhưng đồng thời, nó làm chậm sự phát triển của các ngành khác và cản trở tăng trưởng kinh tế, dẫn đến tăng giá.
Thuật ngữ này lần đầu tiên được sử dụng vào năm 1977 bởi The Economist để mô tả sự suy giảm của lĩnh vực sản xuất ở Hà Lan sau khi phát hiện ra mỏ khí đốt tự nhiên Groningen lớn vào năm 1959.
Theo chuyên gia Domashchenko, việc đồng tiền Nga mạnh lên gần đây và doanh thu xuất khẩu năng lượng tăng cao là rủi ro cho sự phát triển của nền kinh tế nước này trong dài hạn.
Nhà kinh tế này cảnh báo, "căn bệnh Hà Lan" hay hiệu ứng Groningen có thể biểu hiện trong nền kinh tế Nga, vì tỷ giá hối đoái cao có thể gây ra tình trạng tồn đọng các lĩnh vực công nghệ cao của nền kinh tế và dẫn đến việc tăng giá chậm.
Do đó, việc thiết lập một tỷ giá hối đoái cố định bằng đồng rúp thay vì thả nổi đã hoạt động ở Nga từ năm 2014 sẽ giúp tạo ra sự cân bằng giữa điều tiết lạm phát và tăng trưởng kinh tế. Chuyên gia Nga, cho rằng một cơ chế tương tự trước đây đã giúp ổn định tình hình kinh tế ở Trung Quốc.
Hôm thứ Hai (23/5), đồng rúp tăng hơn 6% so với đồng euro lên 58,75, đạt mức mạnh nhất kể từ tháng 6/2015. So với đồng đô la, đồng tiền Nga tăng 4,6% lên giao dịch ở mức 57,47, gần chạm mức cao nhất trong 4 năm trong phiên giao dịch ngày 20/5.
Lạm phát ở Nga trong tầm kiểm soát
Trong cuộc họp với Hiệp hội các ngân hàng Nga hôm 26/5, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) Elvira Nabiullina cho biết nền kinh tế Nga đã tránh được vòng xoáy lạm phát nhờ các chính sách của Ngân hàng Trung ương. Tuy nhiên, theo bà Nabiullina, vẫn còn "quá sớm để thở ra", vì quá trình thích ứng nền kinh tế với các điều kiện toàn cầu mới trong bối cảnh các lệnh trừng phạt liên quan có thể kéo dài và khó khăn.
"Những quý tới sẽ không dễ dàng, vì trong khi nền kinh tế [tìm cách] thích ứng, quá trình này sẽ khó khăn cho cả các doanh nghiệp và người dân", bà phát biểu.
Theo Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga, hai tháng qua là thời điểm của những quyết định mang tính chiến thuật, nhằm giảm bớt cú sốc đầu tiên về các lệnh trừng phạt mà Mỹ và các đồng minh áp đặt lên Nga. Kết quả của các biện pháp trừng phạt này chính là khoảng một nửa dự trữ ngoại hối của Nga đã bị đóng băng, cũng như tài sản của nhiều doanh nghiệp và cá nhân Nga, trong khi các công ty quốc tế từ nhiều lĩnh vực khác nhau bắt đầu ngừng hoạt động kinh doanh tại nước này.
"Các biện pháp của chúng tôi nhằm mục đích ngăn chặn các vấn đề nảy sinh. Kết quả là, chúng tôi đã thực hiện biện pháp ổn định tài chính và ngăn chặn vòng xoáy lạm phát xoay chuyển", thống đốc Nabiullina nói.
Các biện pháp mà bà đề cập đến bao gồm một đợt tăng lãi suất cơ bản lên 20% chưa từng có vào tháng 3 và đưa ra các biện pháp kiểm soát vốn chặt chẽ. Những động thái này và các bước đi khác đã giúp giữ cho nền kinh tế Nga trụ vững và nâng đồng rúp khỏi mức thấp lịch sử được ghi nhận vào hồi tháng 4.
Tuy nhiên, còn quá sớm để dỡ bỏ các biện pháp này bởi theo quan chức Nga, nguyên do là "nền kinh tế Nga đang bước vào thời kỳ chuyển đổi cơ cấu và sẽ rất cần các nguồn tài chính".
"Thời gian cho các quyết định chiến thuật sắp kết thúc và bây giờ chúng tôi phải phát triển các quyết định chiến lược… Chúng tôi cần xác định các thông số mới cho hoạt động của hệ thống tài chính Nga. Xem xét lại các cách tiếp cận đối với quy định sao cho không để rủi ro tích tụ quá mức, các ngân hàng có thể tiếp tục cho vay và hỗ trợ quá trình chuyển đổi cơ cấu của nền kinh tế".
Tuy nhiên, quá trình này "sẽ không phải không có điểm dừng" và các doanh nghiệp sẽ tìm thấy những cơ hội mới, bà nói.
Vào đầu tháng 4, Thủ tướng Mikhail Mishustin cho biết Nga cần "ít nhất sáu tháng" để tái thiết nền kinh tế của mình.
TT Putin: Nga không rời bỏ nền kinh tế toàn cầu
Tổng thống Vladimir Putin ngày 26/5 cho biết Nga sẽ không rời khỏi đấu trường kinh tế toàn cầu bất chấp những lệnh trừng phạt của phương Tây. "Chỉ đơn giản là không thể", ông nhấn mạnh.
Theo Tổng thống Putin, các quốc gia phương Tây đang tự làm hại chính mình dù họ nghĩ rằng sẽ kiềm chế Nga bằng các lệnh trừng phạt.
"Nga đang trở nên mạnh hơn theo một số cách nhờ các lệnh trừng phạt", ông chủ điện Kremlin nhấn mạnh .
Ông Putin nói, ưu tiên hiện nay của Nga là phát triển công nghệ trong các lĩnh vực then chốt và Nga đã thực hiện các bước cần thiết. Tổng thống Nga cho biết thêm, nước Nga đã bắt đầu tập trung vào các công nghệ đột phá, đồng thời chính phủ sẽ không chỉ thực hiện thay thế nhập khẩu mà còn phát triển các ngành công nghiệp trong nước.
Về việc hàng loạt các công ty nước ngoài rút khỏi Nga, Tổng thống Putin cho biết các công ty khác sẽ thế chỗ.
Theo Tác giả An An.
Comments