top of page

Hành Trình "Lột Xác" Của Hãng xe KIA: Bài Học Kinh Doanh Cho Các StartUp




Trong những năm 1990, KIA chỉ là một nhân vật mờ nhạt trong ngành công nghiệp ô tô. Xe của họ đồng nghĩa với chất lượng rẻ tiền và thiết kế thiếu cảm hứng. Nhưng ngày nay, họ trở thành minh chứng sống cho sự thay đổi – xe KIA được săn đón, giành được các giải thưởng, thậm chí lấn sân sang lãnh địa của các thương hiệu hạng sang. Vậy, làm thế nào mà KIA có thể dàn xếp một cuộc lội ngược dòng ngoạn mục như vậy?


Khởi đầu


Khởi nguồn của KIA bắt đầu từ năm 1944, khi họ là nhà sản xuất phụ tùng xe đạp và ống thép. Họ leo lên nấc thang ô tô, từ xe máy, xe tải giao hàng cơ bản, và cuối cùng trình làng chiếc xe chở khách đầu tiên, Brisa, vào năm 1974. Tuy nhiên, đến thời điểm đặt chân vào thị trường Mỹ hai thập kỷ sau vào năm 1994, họ hoàn toàn vô danh, đối mặt với những 'gã khổng lồ' sừng sỏ như Ford, Toyota, và Chevrolet.


Những Bước Đi Đầu Tiên


Theo báo cáo của J.D. Power năm 1994, KIA xếp gần cuối về chất lượng, với khách hàng than phiền những vấn đề như độ hoàn thiện, tiếng ồn động cơ, và trải nghiệm lái tổng thể. Hơn nữa, xếp hạng an toàn của họ rất lẹt đẹt: mẫu Sephia đời 1994 nhận điểm kém từ Viện Bảo hiểm An toàn Xa lộ Mỹ (IIHS). Chiến dịch quảng cáo đầu tiên của hãng xe, với những nhân vật đất sét ngượng nghịu, chẳng giúp khơi dậy bao nhiêu niềm tin nơi người tiêu dùng.


Dù xe của họ không hẳn tệ, chúng vẫn chưa có gì nổi bật – chỉ là những phương tiện giao thông cơ bản với thiết kế thiếu cảm hứng và hiệu suất kém thú vị. Chiến lược ban đầu của KIA tại thị trường Mỹ rất đơn giản: trở thành thương hiệu xe ô tô giá rẻ nhất. Điều này thu hút một số khách hàng có hầu bao hạn hẹp đang tìm kiếm một chiếc xe bình dân, thể hiện qua doanh số ban đầu của họ ở mức khoảng 12.000 chiếc vào năm 1994.


Tuy nhiên, họ không thể xây dựng bản sắc thương hiệu mạnh mẽ. Khách hàng tiết kiệm nổi tiếng với sự 'hay thay lòng', và KIA không cung cấp thứ gì có thể níu giữ lòng trung thành của họ một khi nhu cầu thay đổi. Đến năm 1997, KIA lâm vào khủng hoảng, trên bờ vực phá sản, khi không thể chiếm được thị phần đáng kể tại Mỹ.


Sự Cứu Trợ Của Hyundai



Số phận của họ thay đổi vào năm 1998 khi đối thủ Hàn Quốc Hyundai, lúc đó đang lên, mua lại phần lớn cổ phần KIA. Sự cứu trợ này cung cấp nguồn lực cần thiết dưới dạng vốn và chuyên môn. Cú sáp nhập cũng mở ra cánh cửa cho nền tảng và công nghệ dùng chung, tinh gọn chi phí sản xuất cho cả hai thương hiệu. Mối liên kết này là một kết quả đôi bên cùng có lợi.


Hyundai giành được chỗ đứng lớn hơn trong phân khúc giá trị, trong khi KIA được hưởng lợi từ sức mạnh kỹ thuật của Hyundai và các biện pháp kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt hơn. Nguồn lực chia sẻ cũng cho phép Kia thuê các tài năng hàng đầu, bao gồm Albert Biermann, cựu giám đốc bộ phận hiệu suất M của BMW, người giám sát quá trình cải thiện đáng kể về mặt động lực lái cho xe KIA.


Trọng tâm mới này đối với chất lượng được phản ánh trong điểm số của KIA trên bảng xếp hạng JD Power - bắt đầu tăng đều đặn vào đầu những năm 2010. Cuối cùng, KIA bắt đầu được công nhận về độ tin cậy, yếu tố then chốt trở thành giá trị cốt lõi của thương hiệu.


Tập Trung Vào Thiết Kế và Giá Trị


Sự tập trung vào chất lượng này cũng lan tỏa sang các khía cạnh khác. Kia áp dụng các lựa chọn thiết kế táo bạo để làm nên khác biệt: từ kỷ nguyên của các "Quảng Cáo Chuột Hamster" với chiếc KIA Soul độc đáo, cho đến mẫu SUV Telluride vuông vức, mạnh mẽ, gây ấn tượng với vẻ ngoài cao cấp nhưng vẫn giữ giá thành cạnh tranh. Xe KIA chứng minh rằng phong cách và sự vừa túi tiền không hề loại trừ lẫn nhau, và người tiêu dùng đón nhận nhiệt tình.


Trong năm 2023, KIA nhận được nhiều “Giải thưởng Đam mê” của JD Power hơn bất kỳ thương hiệu nào khác, cho thấy ngôn ngữ thiết kế của họ được đông đảo khách hàng ưa chuộng. Nghiên cứu của Kelley Blue Book cũng liên tục xếp hạng xe Kia cao về giá trị còn lại dự đoán, nghĩa là chúng giữ lại được tỷ lệ giá gốc lớn hơn khi bán lại qua thời gian. Đây là yếu tố quan trọng đối với những người mua có ý thức về ngân sách và dự định đổi xe sau vài năm.


Ngoài tính thẩm mỹ, KIA ưu tiên sự thoải mái và các tính năng cho nội thất xe. Đã qua rồi cái thời với cabin đơn sơ với nhựa rẻ tiền. Nội thất của KIA ngày càng được nâng tầm, cung cấp các tiện nghi như ghế có sưởi và thông gió, cửa sổ trời toàn cảnh và hệ thống âm thanh cao cấp - điều chưa từng có ở những chiếc xe cùng tầm giá.


KIA cũng đầu tư mạnh vào công nghệ an toàn, biến các tính năng như phanh khẩn cấp tự động và cảnh báo chệch làn đường trở thành trang bị tiêu chuẩn trên nhiều mẫu xe của họ. Cách tiếp cận toàn diện này đối với chất lượng - bao gồm thiết kế, tiện nghi, các tính năng tiện ích, và an toàn – đã nâng Kia từ một thương hiệu bình dân thành một đối thủ xứng tầm trên thị trường chính thống.


Làn Sóng Xe Điện


Hiện tại, KIA đang tiến công mạnh mẽ vào thị trường xe điện (EV) đang cạnh tranh vô cùng khốc liệt. Chiếc EV6 của họ giành được nhiều lời khen ngợi từ giới chuyên môn, cùng những giải thưởng danh giá như Xe Đa Dụng Bắc Mỹ của Năm và Xe hơi Châu Âu của Năm.


Đáng chú ý, trong một thời gian ngắn vào năm 2022, họ trở thành nhà bán xe điện lớn thứ hai tại Mỹ, chỉ đứng sau Tesla. Theo báo cáo Kelley Blue Book 2023, EV6 là mẫu xe mới được trao nhiều giải thưởng nhất trong Giải "Best Buy" hàng năm của họ, nêu bật sức ảnh hưởng của mẫu xe này trong phân khúc xe điện.


Nhưng KIA Cũng Phải Đương Đầu Thử Thách


Tuy vậy, KIA, giống như tất cả các nhà sản xuất ô tô khác chấp nhận xe điện, hiện phải đối mặt với nhiều thách thức. Các vấn đề về chuỗi cung ứng toàn cầu cản trở khả năng sản xuất của họ, hạn chế năng lực đáp ứng nhu cầu đang tăng vọt.


Ngoài ra, các chính sách của chính phủ như Đạo luật Giảm lạm phát ưu tiên các xe điện sản xuất trong nước, khiến KIA rơi vào thế bất lợi vì xe điện của họ chủ yếu được nhập khẩu. Điều này gây áp lực lên doanh số bán hàng của hãng; trong nửa đầu năm 2023, doanh số xe điện của KIA giảm khoảng 30% so với cùng kỳ năm 2022, tụt lại đằng sau các đối thủ như GM, Ford và Rivian.


KIA đang giải quyết những khó khăn này thông qua nhiều chiến lược khác nhau. Họ đã phát hành các bản cập nhật phần mềm để ngăn chặn lỗ hổng bảo mật dẫn đến tình trạng trộm cắp xe ồ ạt. Và quan trọng hơn, hãng đang đầu tư 200 triệu đô la để mở rộng nhà máy ở Georgia, Hoa Kỳ nhằm sản xuất mẫu EV9. Động thái này sẽ giúp mẫu xe được hưởng các ưu đãi của liên bang theo Đạo Luật Giảm Lạm Phát.


Thử Thách Vẫn Còn Đó


Tinh thần “chiếu dưới” của KIA đã đưa họ đi rất xa, nhưng họ có thể tiến tới đâu? Chiến lược định giá gần đây đã đẩy họ tiến gần hơn đến các đối thủ lâu đời trong việc chế tạo ô tô cao cấp. Ví dụ, các phiên bản cao cấp của mẫu EV9 chạy hoàn toàn bằng điện có thể có giá gần 80.000 đô la, xâm phạm lãnh thổ của các thương hiệu hạng sang.


Sự thay đổi này có thể đánh mất những người mua xe vốn đã quen thuộc với mức giá phải chăng của KIA . Và khi dòng sản phẩm của Hyundai ngày càng cạnh tranh, các thương hiệu này có thể tự hủy hoại doanh số của nhau. Một báo cáo năm 2023 của Automotive News chỉ ra mối lo ngại ngày càng tăng trong giới đại lý rằng dòng sản phẩm của hai thương hiệu đang trở nên quá giống nhau, gây khó khăn trong việc phân biệt chúng trong mắt khách hàng.


Bí Mật Thành Công Của KIA Và Bài Học Cho Các Startup

Hành trình ấn tượng của KIA mang lại rất nhiều bài học quý giá cho các startup đang tìm cách tạo dựng dấu ấn riêng. Hãy cùng tìm hiểu sâu hơn những bài học quan trọng được rút ra từ câu chuyện đáng chú ý của họ:


  • Chất Lượng Là Nền Tảng: Niềm Tin Là Giá Trị

Chế độ bảo hành cực dài của KIA không chỉ là một chiêu trò tiếp thị, mà là minh chứng cho niềm tin của họ vào sản phẩm. Một nghiên cứu của Harvard Business Review đã chỉ ra rằng các công ty có uy tín cao về chất lượng có tỉ lệ khách hàng rời bỏ ít hơn 60% và giá cao hơn 10% so với các đối thủ cạnh tranh.


Các startup phải luôn nhớ rằng, trong thế giới ngày nay với người tiêu dùng vô cùng nhạy bén, chất lượng sản phẩm chính là nền tảng thành công. Xây dựng sản phẩm hoặc dịch vụ mà khách hàng thật sự tin tưởng sẽ tạo ra niềm tin vững bền, dẫn đến lòng trung thành của khách hàng và sự ủng hộ thương hiệu lâu dài.


  • Đầu Tư Vào Nhân Tài Và Cơ Sở Hạ Tầng: Chiến Lược Tăng Trưởng Thông Minh

Việc KIA chú trọng xây dựng lực lượng lao động và cơ sở sản xuất tại Hoa Kỳ nhấn mạnh cam kết của họ về chất lượng và sự am hiểu thị trường bản địa. Các startup nên học tập theo tấm gương này – đầu tư chiến lược vào đúng người, đúng công cụ và cơ sở hạ tầng ở mỗi thị trường có vẻ tốn kém trước mắt, nhưng về lâu dài sẽ mang lại lợi nhuận khổng lồ.


Một báo cáo của Deloitte cho thấy rằng các công ty có hệ sinh thái nhân tài mạnh mẽ, nơi con người và công nghệ cùng cộng tác hiệu quả, có tốc độ tăng trưởng doanh thu cao hơn 44% và lợi nhuận cao hơn 50%. Phần thưởng vô giá cho việc đầu tư thông minh từ sớm là trải nghiệm khách hàng tốt hơn, khả năng đáp ứng thị trường tốt hơn và sự linh hoạt trước những thách thức ở mỗi địa phương.


  • Thiết Kế Đột Phá: Khác Biệt Là Yếu Tố Thắng Thế

KIA hiểu được sức mạnh của sự nổi bật. Từ Soul đến Telluride, họ không ngại mạo hiểm về thiết kế. Các startup cũng không nên ngại ngần để cá tính thương hiệu được tỏa sáng. Trong thị trường đông đúc, theo một nghiên cứu của Viện Quản lý Thiết kế (Design Management Institute), các công ty lấy thiết kế làm trọng tâm có hiệu suất vượt trội hơn chỉ số S&P 500 trên 200%.


Tìm ra thị trường ngách rõ ràng, xây dựng bản sắc riêng biệt và truyền thông giá trị độc đáo một cách mạnh mẽ là những thành tố cần thiết để vượt qua những đối thủ và thu hút lượng khách hàng trung thành.


  • Khả Năng Thích Ứng Là Chìa Khóa: Thị Trường Thay Đổi, Bạn Cũng Phải Thay Đổi

Thành công của KIA trong việc thích ứng với các xu hướng thị trường như sự bùng nổ của dòng xe SUV hay cuộc cách mạng xe điện nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của sự linh hoạt. Các startup cần bắt nhịp liên tục với mạch đập của ngành nghề họ theo đuổi. Tiếp thu tư duy cởi mở – thu thập phản hồi, phân tích xu hướng thị trường, và đừng ngại thay đổi sản phẩm của bạn để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và các cơ hội mới nổi.


Những công ty có thể thích nghi nhanh sẽ dẫn đầu cuộc chơi và nắm bắt đúng thời cơ. Ví dụ, gã khổng lồ trong ngành "shared office" (văn phòng chia sẻ) WeWork đã thất bại trong việc thích ứng với thị trường văn phòng đang thay đổi, trong khi các startup như Industrious cung cấp các giải pháp linh hoạt và hợp túi tiền hơn lại phát triển mạnh mẽ.


Chặng Đường Phía Trước


Tương lai của KIA có thể gặp phải một số trở ngại, nhưng hãng đã chứng minh rằng họ có thể thay đổi mình. Hành trình của họ từ một cái tên "dễ quên" trở nên đáng gờm là minh chứng cho việc ngay cả một thương hiệu bình dân cũng có thể mang đến chất lượng, phong cách và giá trị.


Và trong một ngành công nghiệp nổi tiếng bởi sự đổi mới không ngừng, sự sẵn sàng chấp nhận rủi ro và thách thức mọi kỳ vọng của KIA sẽ giúp họ tiếp tục cuộc đua. Liệu họ có thể duy trì đà phát triển khi cạnh tranh trong thị trường xe điện đang phát triển nhanh chóng hay không sẽ là câu chuyện đáng để theo dõi.

Comments


Top Stories

bottom of page